CÔNG TY CP GIẢI PHÁP CÔNG NGHỆ MÔI TRƯỜNG NHẤT TINH

Cung cấp giải pháp toàn diện cho hệ thống Quan trắc Môi Trường

Bến Tre kỳ vọng hệ thống quan trắc tự động phát huy hiệu quả

Thứ 3, 13/10/2020, 09:26 GMT+7

Qua 4 năm triển khai thực hiện, đến nay Dự án “Đầu tư Xây dựng hệ thống quan trắc dự báo độ mặn và giám sát chất lượng nước tự động” đã hoàn thành và đưa vào vận hành. Kỳ vọng Dự án sẽ phát huy hiệu quả, đóng góp tích cực cho công tác phòng chống thiên tai, quản lý tài nguyên nước thích ứng biến đổi khí hậu (BĐKH).

Theo dự báo của các chuyên gia về môi trường, trong tương lai, do ảnh hưởng của BĐKH, nhiệt độ sẽ tiếp tục tăng, các hiện tượng thời tiết cực đoan có xu hướng xảy ra nhiều và mạnh hơn. Trong đó, tại khu vực Đồng bằng sông Cửu Long thì Bến Tre là một trong những tỉnh chịu ảnh hưởng nhiều của BĐKH. Đặc biệt, xâm nhập mặn và hạn hán là vấn đề thời sự của tỉnh Bến Tre.

Có thể thấy, các hiện tượng thời tiết cực đoan như: xâm nhập mặn, hạn hán, triều cường, nước biển dâng, bão, áp thấp nhiệt đới, giông lốc có xu hướng xảy ra thường xuyên và ngày càng mạnh hơn. Tất cả những tác động do BĐKH gây ra sẽ ảnh hưởng nặng nề đến phát triển kinh tế - xã hội, uy hiếp sự phát triển bền vững.

Một trong những trạm quan trắc và giám sát chất lượng nước tự động dọc theo các nhánh sông chính Bến Tre

Ông Bùi Minh Tuấn, Giám đốc Sở TN&MT Bến Tre cho biết: Thời gian qua, tỉnh Bến Tre đã có những hoạt động thích ứng và giảm thiểu tác động của BĐKH, như: Ứng dụng mô hình nuôi và chế biến thuỷ sản thích ứng với nhiễm mặn nhờ áp dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật, công nghệ; gia tăng nhóm cây ăn trái chất lượng cao, chú trọng phát triển và bảo tồn các loại cây đặc sản của tỉnh; đẩy mạnh cơ chế phát triển sạch, bảo vệ gen cây trồng, vật nuôi quý hiếm của điạ phương; chú trọng xử lý ô nhiễm môi trường triệt để; quy hoạch hệ thống thủy lợi nhằm giảm thiểu thiệt hại do thiên tai gây ra.

Bên cạnh đó, để tăng cường nỗ lực giảm thiểu và thích ứng với tác động của BĐKH đến tình hình phát triển kinh tế - xã hội của địa phương, các Bộ, ngành Trung ương và tỉnh Bến Tre đã kêu gọi đầu tư, hỗ trợ kinh phí và chuyên môn để tỉnh Bến Tre có thể thực hiện tốt nhiệm vụ ứng phó với BĐKH, trong đó có đầu tư phương tiện, trang thiết bị và cơ sở vật chất phục vụ nhiệm vụ quan trắc môi trường, nhất là xây dựng các trạm quan trắc chất lượng nước cửa sông ven biển và các nhánh sông chính.

Cũng theo ông Bùi Minh Tuấn, năm 2015, được Quỹ Phát triển Nông nghiệp Quốc tế (IFAD) tài trợ, tỉnh Bến Tre đã tham gia thực hiện Dự án thích ứng với BĐKH vùng đồng bằng sông Cửu Long (AMD) tại tỉnh Bến Tre và Trà Vinh, trong đó đã triển khai thực hiện Dự án “Đầu tư Xây dựng hệ thống quan trắc dự báo độ mặn và giám sát chất lượng nước tự động 2 tỉnh Bến Tre và Trà Vinh”.

Dự án do Sở TN&MT Bến Tre làm chủ đầu tư để phối hợp cùng Sở TN&MT Trà Vinh thực hiện với sự tư vấn của Công ty Stichting Deltares Hà Lan và Viện Khoa học Thủy lợi Miền Nam từ năm 2016 đến tháng 6/2018 được UBND tỉnh Bến Tre phê duyệt làm căn cứ triển khai thực hiện. Các hoạt động của Dự án nhằm mục tiêu cung cấp thông tin và dự báo độ mặn kịp thời cũng như các thông tin về chất lượng nước cho các hộ nông dân, người nuôi trồng thủy sản và các cơ quan quản lý để cải thiện sản xuất và đầu tư liên quan đến việc đưa ra quyết định hợp lý trong thời gian ngắn hạn và dài hạn nhằm giảm nhẹ rủi ro, thiệt hại tăng cơ hội đầu tư thích ứng BĐKH.

Qua 4 năm triển khai thực hiện, đến nay Dự án đã cơ bản hoàn thành. Tại tỉnh Bến Tre đã xây dựng 20 trạm quan trắc và giám sát chất lượng nước tự động dọc theo các nhánh sông chính Hàm Luông, sông Tiền, Ba Lai và Cổ Chiên. Đồng thời, hoàn thành việc lắp đặt và cài đặt thiết bị quan trắc tự động tại các trạm, thiết bị Trung tâm xử lý dữ liệu; phần mềm ứng dụng Fews AMD trên điện thoại di động và tập huấn cho cán bộ vận hành hệ thống. Sản phẩm của dự án sẽ cung cấp các số liệu thực đo và dự báo 05 thông số môi trường nước cơ bản gồm: độ mặn, oxi hòa tan (DO), nhiệt độ, độ dẫn điện (EC) và độ sâu mực nước được đưa lên hệ thống mạng và phần mềm ứng dụng điện thoại di động.

Ông Bùi Minh Tuấn cho rằng: Quá trình thực hiện Dự án đã được sự hỗ trợ tích cực của Ban Điều phối Dự án và các cơ quan, đơn vị, địa phương có liên quan. Tuy vậy, Dự án cũng gặp nhiều khó khăn từ lập Dự án, triển khai xây dựng các trạm quan trắc. Trong đó, phải nhiều lần điều chỉnh vị trí đặt trạm để phù hợp điều kiện thực tế, đảm bảo độ sâu ngập nước của các sensor; đảm bảo an toàn giao thông đường thủy quốc gia và nội địa; phải thay đổi thiết kế để phù hợp vận hành, bảo trì các trạm; điều kiện thi công trên sông và xâm nhập mặn gay gắt vào cuối năm 2019 đầu 2020… nên Dự án triển khai chậm so với tiến độ hoàn thành theo cam kết của tỉnh Bến Tre với nhà tài trợ IFAD.

“Sở TN&MT Bến Tre đã và đang trưng cầu ý kiến từ các Sở, ngành, các đơn vị liên quan trực tiếp đến thông tin, dự báo xâm nhập mặn để giúp ngành TN&MT Bến Tre cùng phối hợp vận hành thử nghiệm, kiểm tra, hoàn thiện Dự án chậm nhất trong tháng 11/2020 sẽ công bố thông tin chính thức, rộng rãi nhằm kịp thời dự báo độ mặn cuối năm 2020 và đầu năm 2021” - ông Bùi Minh Tuấn, Giám đốc Sở TN&MT Bến Tre cho biết thêm.

Theo baotainguyenmoitruong.vn

Chia sẻ:
Ý kiến bạn đọc