CÔNG TY CP GIẢI PHÁP CÔNG NGHỆ MÔI TRƯỜNG NHẤT TINH

Cung cấp giải pháp toàn diện cho hệ thống Quan trắc Môi Trường

Thanh Hóa: Nâng cao hiệu quả quan trắc môi trường trong nuôi trồng thủy sản

Thứ 5, 08/10/2020, 13:17 GMT+7

Thời gian qua, Sở Nông nghiệp và PTNT Thanh Hóa đã triển khai thực hiện kế hoạch về quan trắc môi trường trong nuôi trồng thủy sản, đảm bảo chất lượng môi trường, giúp người dân có kế hoạch chủ động phòng, tránh thiệt hại do ô nhiễm và dịch bệnh, góp phần nâng cao hiệu quả về kinh tế.

Theo báo cáo của Sở Nông nghiệp và PTNT, trên địa bàn tỉnh Thanh Hóa có 19.000 ha đất nuôi trồng thủy sản; trong đó, diện tích nuôi nước ngọt 13.603 ha, nước lợ 3.734 ha và nước mặn 1.313 ha, tập trung chủ yếu ở các huyện Hậu Lộc, Hoằng Hóa, Quảng Xương, Nông Cống, thị xã Nghi Sơn... Bên cạnh đó, còn có hàng trăm hộ nuôi cá lồng trên sông Chu, sông Mã, vụng Nghi Sơn và các hồ thủy điện.

Hiện nay, tỉnh Thanh Hóa có 19.000 ha đất nuôi trồng thủy sản tập trung chủ yếu ở các huyện Hậu Lộc, Nga Sơn, Hoằng Hóa…

Thời gian vừa qua, liên tiếp xảy ra hiện tượng cá nuôi lồng, ngao chết hàng loạt ở các địa phương trong tỉnh, gây thiệt hại nặng nề cho người nuôi. Nguyên nhân được các ngành có liên quan của tỉnh, các viện nghiên cứu nuôi trồng thủy sản sau khi lấy mẫu xét nghiệm, xác định chủ yếu do vấn đề ô nhiễm nguồn nước từ nước thải sinh hoạt, nước thải nông nghiệp và nước thải công nghiệp, cũng như hoạt động nuôi trồng thủy sản không theo hướng dẫn đã làm gia tăng dịch bệnh thủy sản; biến đổi khí hậu cũng gây ảnh hưởng đến nuôi trồng thủy sản.

Qua kiểm tra tại các hộ nuôi trồng ở nhiều địa phương cho thấy, tình trạng nhiều hộ không bố trí ao lắng hoặc ao lắng không bảo đảm khả năng chứa và lắng lọc nước thải, nhất là các cơ sở nuôi tôm nhỏ lẻ, gây nguy cơ ô nhiễm môi trường. Không những thế, do việc xử lý môi trường ao nuôi không bảo đảm dẫn đến ảnh hưởng chất lượng nguồn nước cấp và ô nhiễm môi trường ngay tại ao nuôi làm cho dịch bệnh lây lan, bùng phát tại khu vực nuôi trồng thủy sản tập trung.

Việc thực hiện quan trắc môi trường trong nuôi trồng thủy sản giúp người dân có kế hoạch chủ động phòng, tránh thiệt hại do ô nhiễm và dịch bệnh, góp phần nâng cao hiệu quả về kinh tế

Để phát huy hiệu quả trong nuôi trồng thủy sản, UBND tỉnh đã ban hành kế hoạch, đầu tư, nâng cấp các công trình như đê sông, đê biển, hệ thống kênh, cống cấp, thoát nước vùng nuôi trồng thủy sản, tạo động lực giúp các hộ dân mạnh dạn đầu tư, mở rộng quy mô sản xuất, nâng cao giá trị kinh tế. Một số hộ dân bước đầu áp dụng hình thức nuôi thâm canh công nghệ cao, kết hợp ứng dụng các tiến bộ khoa học - kỹ thuật vào nuôi trồng đã góp phần nâng cao năng suất và đem lại giá trị kinh tế cho ngành nuôi trồng thủy sản.

Hàng năm, Chi cục Thú y và Chăn nuôi xây dựng kế hoạch quan trắc môi trường nuôi tôm nước lợ, nuôi ngao tại 5 huyện Nga Sơn, Hậu Lộc, Hoằng Hóa, Quảng Xương, thị xã Nghi Sơn. Các chỉ tiêu quan trắc, chủ yếu như: H2S; NH3; PO4; NO2; PH; độ mặn... với tần suất quan trắc 2 lần/tháng. Các số liệu thu thập được là cơ sở quan trọng để ban hành các biện pháp về bảo vệ môi trường và giúp cho việc ngăn chặn sớm nguy cơ ô nhiễm và phát sinh dịch bệnh, từ đó giảm nhẹ phạm vi, mức độ ảnh hưởng cũng như chi phí xử lý ô nhiễm và phòng trừ dịch bệnh ở các vùng nuôi.

Theo lãnh đạo Sở Nông nghiệp và PTNT Thanh Hóa, phấn đấu từ nay đến cuối năm 2020 sản lượng nuôi trồng thủy sản đạt 55.000 tấn. Để đạt được mục tiêu và kế hoạch đã đề ra, thời gian tới, Sở sẽ phối hợp với các địa phương nâng cao công tác quản lý môi trường, thường xuyên lấy mẫu nước kiểm tra tại các khu nuôi tập trung và nuôi cá lồng. Thường xuyên theo dõi, kiểm tra các yếu tố môi trường nước trong ao nuôi, theo dõi thời tiết, sức khỏe của thủy sản nuôi, diễn biến mầm bệnh. Nâng cao chất lượng hiệu quả công tác thẩm định phê duyệt báo cáo đánh giá tác động môi trường và xác nhận kế hoạch bảo vệ môi trường. Chỉ đạo các cơ sở nuôi trồng thủy sản thực hiện các chương trình giám sát, quan trắc môi trường định kỳ, cảnh báo môi trường ở vùng tập trung, vùng cửa sông, ven biển để kịp thời phát hiện xử lý tình trạng ô nhiễm môi trường.

Theo baotainguyenmoitruong.vn

Chia sẻ:
Ý kiến bạn đọc