CÔNG TY CP GIẢI PHÁP CÔNG NGHỆ MÔI TRƯỜNG NHẤT TINH

Cung cấp giải pháp toàn diện cho hệ thống Quan trắc Môi Trường

Thí điểm trạm quan trắc thời tiết tự động trong trường học

Thứ 5, 28/03/2019, 08:33 GMT+7

Ngày 23/3, tại Trường THCS Bế Văn Đàn (quận Đống Đa, Hà Nội), Đài khí tượng thủy văn Đồng bằng Bắc Bộ (Tổng cục Khí tượng thủy văn, Bộ TN&MT) và Ban giám hiệu nhà trường đã tổ chức lễ tổng kết Chương trình hợp tác tăng cường tuyên truyền, phổ biến kiến thức KTTV, phòng chống thiên tai và biến đổi khí hậu năm 2017, đồng thời, bàn giao mô hình Trạm quan trắc thời tiết tự động cho trường. Tham dự có đại diện Sở Giáo dục và Đào tạo thành phố Hà Nội, Phòng Giáo dục và Đạo tạo quận Đống Đa cùng đại diện lãnh đạo 2 đơn vị.

Đại diện các đơn vị tham gia buổi Lễ tổng kết Chương trình hợp tác và bàn giao Trạm quan trắc tự động tại Trường THCS Bế Văn Đàn (Hà Nội)

Trong khuôn khổ Biên bản ghi nhớ hợp tác giữa Đài KTTV Đồng bằng Băc Bộ và Trường THCS Bế Văn Đàn, từ tháng 8/2017, Đài Đồng bằng Băc Bộ đã triển khai lắp đặt Trạm đo khí tượng tự động model W802 trong không gian vườn sinh địa của Trường THCS Bế Văn Đàn, phục vụ khai thác theo thời gian thực các số liệu thời tiết cơ bản, bao gồm: Gió, mưa, nhiệt độ, độ ẩm, áp suất. Dữ liệu được truyền và lưu vào hệ thống máy chủ của Đài, đồng thời, hiển thị tại chỗ trên các thiết bị thông minh như điện thoại, máy tính bảng, laptop… của nhà trường. Tổng giá trị thiết bị trên 80 triệu đồng do Đài hỗ trợ.

Sau thời gian cho học sinh sử dụng trạm đo vào thực hành môn địa lý, bà Đào Thị Hồng Hạnh, Hiệu trưởng Trường THCS Bế Văn Đàn cho biết, Trạm đo thời tiết tự động là một giáo cụ trực quan nhằm giới thiệu cho học sinh cách đo đạc thu thập số liệu về khí tượng, khí hậu... Môn địa lý không còn khô khan mà có thêm nhiều màu sắc, nâng cao hiệu quả giảng dạy, giúp giáo viên và học sinh trong trường nhận thức được các hiểm họa do thiên tai, cách ứng phó và giảm nhẹ rủi ro tại chỗ, tự bảo vệ bản thân khi xảy ra các hiện tượng thời tiết cực đoan. Đây là bước tiến rõ nét của nhà trường trong đẩy mạnh công tác phổ biến kiến thức về KTTV.

Học sinh theo dõi thông tin thời tiết qua thiết bị điện tử tại trường

Thời gian tới, Nhà trường sẽ phối hợp với Đài tiếp tục triển khai tuyên truyền, phổ biến kiến thức KTTV theo chương trình ngoại khóa cho các lớp học sinh theo sự bố trí, sắp xếp của nhà trường, tổ chức các buổi tham quan, trải nghiệm thực tế tại các Trạm đo thời tiết của Đài KTTV đồng bằng Bắc Bộ. Tổ chức các giờ dạy kiến thức về thời tiết, thiên tai, biến đổi khí hậu và phát triển bền vững, các hoạt động sáng kiến, cải tiến của trường.
Về phía Đài Đồng bằng Bắc Bộ, ông Đỗ ĐứcThắng, Phó Giám đốc Đài cho biết, cơ quan sẽ tiếp tục cung cấp kịp thời thông tin thời tiết, dự báo KTTV hàng ngày, hỗ trợ kỹ thuật để các thông tin dự báo được cập nhật trên trang web của trường và phối hợp tổ chức các hoạt động thực nghiệm khoa học của học sinh nếu liên quan tới lĩnh vực khí tượng, thủy văn. Theo ông Thắng, đây là hoạt động bước đầu để nhân rộng mô hình vườn thực nghiệm khí tượng ra các trường học trên địa bàn thành phố Hà Nội, thậm chí là trên cả nước. Trước đó, đã có một vườn thực nghiệm khí tượng được khánh thành tại Trang trại giáo dục Erahouse (quận Long Biên, Hà Nội).

Tham quan mô hình trạm quan trắc thời tiết tự động trong khuôn viên trường học

Hào hứng với mô hình này, ông Phạm Ngọc Tuấn, Trưởng phòng Chính trị, tư tưởng, Sở GD&ĐT thành phố Hà Nội chia sẻ, trong công tác đổi mới giáo dục hiện nay đang rất thiếu cơ sở vật chất cho hoạt động ngoại khóa. Mô hình thực nghiệm như trạm đo tự động có nhiều tiềm năng để thí điểm nhân rộng. Và để làm được điều này, rất cần sự phố hợp chặt chẽ của cơ quan khí tượng thủy văn với các nhà trường, phòng giáo dục trên địa bàn thành phố. Bước đầu, trường THCS Bế Văn Đàn có thể trở thành điểm thăm quan, học tập mô hình trạm cho những trường thuộc quận Đống Đa.

Nguồn: baotainguyenmoitruong.vn

Chia sẻ:
Ý kiến bạn đọc